Chùa Nôm ở tỉnh Hưng Yên được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận "Ngôi chùa có nhiều tượng đất cổ nhất nước". Các bức tượng ở đây được xác định là tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc tượng thế kỷ 10-13.
Ở chùa Nôm, tượng đất nằm ở khắp nơi. Dọc hai bên mỗi hành lang có đến 20 pho tượng lớn nhỏ, với các trạng thái mô tả con đường hành Phật. Phía sau hậu cung, trong hang động, vách đất của dãy núi nhân tạo, những bức tượng đất mô tả các vị thánh đang ngồi tịnh tâm, tu luyện.
122 pho tượng bằng đất như Tam thánh, Tam thế, A Di Đà, Phật bà, Bát bộ kim cương, Thập bát la hán... ước tính có hàng trăm năm tuổi. Một số nhà khoa học cho rằng có những pho tượng tiêu biểu cho nghệ thuật điêu khắc tượng thế kỷ 10-13.
|
Các tượng đất cổ ở chùa Nôm. |
Các pho tượng ngồi, đứng trên một giá đỡ bằng đất với đủ tư thế và hình dáng: béo, gầy, hiền lành, dữ tợn, dân dã, thần tiên… với nhiều kích cỡ khác nhau. Có những pho tượng nhỏ xíu chỉ bằng nắm tay, ngược lại cũng có những pho tượng khổng lồ cao đến 3 m.
Theo hòa thượng Thích Đồng Huệ, trụ trì chùa Nôm, các pho tượng mang khuôn mặt và hình dạng có sức biểu cảm cao, giống với các trạng thái cảm xúc của con người. Từ trang phục đến trạng thái của các pho tượng cổ đều mang nét dân dã, thuần Việt, chứng tỏ xưa kia, Phật giáo rất gần gũi với đời sống con người.
Theo thông tin của Trung tâm sách kỷ lục Vietkings, các pho tượng có độ bền đến khó tin. Trải qua hàng trăm năm vẫn còn nguyên vẹn, ngay cả lớp sơn bên ngoài cũng vẫn là nguyên bản từ xưa.
Hơn 100 pho tượng đất chùa Nôm dù hứng chịu nhiều trận ngập lụt khủng khiếp vẫn an toàn. Như trận lụt năm 1945 do vỡ đê sông Hồng, sông Đà, sông Lô, sống Đuống đã nhận chìm toàn bộ ngôi làng Nôm cùng cả miền Bắc, nước ngập đến nóc Linh Thông cổ tự (tên chùa Nôm ngày xưa) làm lở tường, trôi cả mái chùa, nhưng sau khi nước rút đi, những pho tượng đất vẫn nguyên vẹn.
Người dân và sư thầy rửa lớp bùn đi, các pho tượng đất lại hiện ra lớp sơn sáng bóng như mới. Trải qua hàng chục trận lụt trong lịch sử, các pho tượng đất chìm trong nước nhiều lần, nhưng không tan rã thành bùn. Đây là điều mà nhiều nhà nghiên cứu chưa lý giải được, cũng như lịch sử những pho tượng vẫn còn là một điều bí ẩn.
Chùa Nôm nằm trong quần thể di tích làng Nôm, tên tự là Linh Thông cổ tự, xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, thuộc thiền phái Lâm Tế.
Chùa được xây dựng từ năm nào không ai rõ, duy có hai tấm bia lớn đặt sau hậu cung ghi lại những tư liệu quý: Thời Hậu Lê, đời Chính Hòa, năm Canh Thân (1680) sau khi lên ngôi, nhà vua đã cho xây dựng lại chùa này. Tiếp theo vào các năm Nhâm Thân (1692), Giáp Tuất (1694), Đinh Sửu (1697), Mậu Dần (1698), Kỷ Mão (1699) tiếp tục tu sửa lại tiền đường, hậu cung và hành lang. Năm Chính Hòa thứ 21 (1700) chùa được sửa lại các cột trụ, tạo thêm tượng, mở rộng sân chùa. Năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) chùa xây thêm gác chuông và mở rộng hai dãy hàng lang. Thời nhà Nguyễn, đời vua Thành Thái năm thứ 11 (1899) chùa Nôm lại được trùng tu thêm một lần nữa. Qua bao biến cố, chùa được trùng tu nhiều lần, trở thành ngôi chùa khang trang ngày nay.
Ngày 26/5 tại TP HCM, Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam sẽ tổ chức chương trình Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 22. Đây là dịp để cộng đồng kỷ lục gia Việt Nam cả nước cùng nhau hội ngộ để gặp gỡ, chia sẻ những ước mơ, hoài bão. Dịp này, có 33 kỷ lục mới trong nước được trao cho các cá nhân, đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực. |
Thất Sơn
Ảnh: Vietkings
(Theo vnexpress.net)
Cám ơn Quý khách đã dành thời gian ghé thăm website
QUATANGPHONGTHUY.COM.VN và đọc bài viết này