Theo y học cổ truyền còn có rất nhiều thảo dược, nhiều loại cây quý có tác dụng hạ huyết áp. Bài viết dưới đây xin giới thiệu một số thảo dược thông dụng, dễ tìm.
1. Hoa hòe
Cách dùng: Hoa hòe 12g, quyết minh tử 6g, cam thảo nam 2g. Sắc uống ngày một thang. Đông y gọi hoa hòe là hòe mễ, mễ là hạt gạo, ý nói vị thuốc từ hoa hòe, có kích thước chỉ bằng hạt gạo, nghĩa là còn ở dạng nụ hoa, mới được dùng làm thuốc. Do vậy, ta phải thu hái hoa hòe, ngay từ khi nó còn là nụ hoa, là như vậy. Sau khi thu hái hoa hòe, người ta tuốt lấy nụ hoa, nhặt bỏ các cành con và lá còn sót lại, rồi đem sao. Trong hoa hòe có chứa rutin là hoạt chất chủ yếu, ngoài ra còn có Betulin.
Tác dụng sinh học của hoa hòe đã được chứng minh: Rutin – hoạt chất của hoa hòe có tác dụng giống như vitamin P nên có tác dụng làm bền và giảm tính thấm của mao mạch, giảm trương lực cơ trơn và chống co thắt, giảm tác dụng của adrenalin trong cơ thể. Trên thực tế lâm sàng, người ta thường dùng hoa hòe để dự phòng tai biến của bệnh xơ vữa động mạch và điều trị bệnh tăng huyết áp.
Ngoài ra còn dùng trong các trường hợp phụ nữ băng huyết, chảy máu cam, ho ra máu, tổn thương ngoài da do bức xạ, chống dị ứng, thấp khớp, làm vết thương chóng liền sẹo.
2. Cúc hoa vàng
Cách dùng: Cúc hoa 12g, quyết minh tử 12g sao thơm, lá dâu 6g, hòe hoa 6g, cam thảo nam 2g. Sắc uống ngày một thang, chia uống nhiều lần trong ngày.
Tên khoa học Chrysanthemun indicum L., C. boreale Ma và C. Lavandulaejolium (Fisch) Mak. Thường dùng hoa để làm thuốc. Trong hoa có chứa 3 glucosid và một số tinh dầu thơm.
Theo y học cổ truyền: Cúc hoa vị ngọt, đắng, tính hơi hàn. Vào các kinh phế, can, thận. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, sáng mắt. Thường được dùng để chữa các chứng phong nhiệt ở can kinh, mắt mờ, mắt đỏ sưng đau, hoa mắt chóng mặt. Liều dùng 4-24g.
Theo y học hiện đại: Dịch triết cồn cúc hoa vàng có tác dụng làm hạ huyết áp kéo dài thông qua tác dụng giãn mạch ngoại vi.
Trong thực tiễn lâm sàng, cúc hoa vàng làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh tăng huyết áp như đau đầu, mất ngủ, choáng váng. Ngoài ra còn được sử dụng rộng rãi trong điều trị các bệnh cảm lạnh, viêm não, cảm cúm…
3. Ích mẫu
Cách dùng: Ích mẫu thảo 12g, lá dâu 12g, cam thảo nam 2g. Sắc uống ngày một thang.
Tên khoa học Leonurus Heterophyllus Sw. Còn có tên gọi sung úy, chói đèn. Thường dùng thân lá với tên ích mẫu thảo hoặc quả chín có tên gọi là sung úy tử. Là cây được trồng để làm thuốc và cũng mọc hoang ở nhiều nơi ven suối, ven sông.
Hoạt chất của ích mẫu gồm có flavonoid, trong đó có một chất được xác định là rutin. Ngoài ra còn có glucosid, steroid, tanin, tinh dầu… Trong quả có alkaloid là leonurin.
Theo tài liệu cổ, ích mẫu vị cay, đắng, tính hơi hàn, có tác dụng trục ứ huyết, sinh huyết mới, hoạt huyết, điều kinh.
Liều dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc hoặc cao thuốc. Trong dân gian thường dùng ích mẫu để chữa các bệnh phụ nữ. Còn dùng để chữa bệnh huyết áp cao, bổ huyết, bệnh về mạch vành, rối loạn thần kinh tim, lỵ… Quả ích mẫu dùng để làm thuốc thông tiểu, phù thũng, thiên đầu thống…
Tác dụng sinh học của ích mẫu trên tim mạch đã được các nhà khoa học chứng minh. Cao lỏng ích mẫu có tác dụng làm hạ huyết áp thông qua cơ chế làm giảm tác dụng co mạch của adrenalin… Ngoài ra, ích mẫu còn có tác dụng tốt đối với cơ tim có bệnh. Tác dụng an thần của ích mẫu đã được ghi nhận. Một số vi khuẩn gây bệnh ngoài da cũng bị ức chế bởi ích mẫu… Liên Xô (cũ) đã áp dụng rượu thuốc ích mẫu điều trị tăng huyết áp, rối loạn thần kinh tim và làm thuốc an thần.
4. Cây xú ngô đồng
Cây mò trắng
Cách dùng: Lá xú ngô đồng 12g, cúc hoa 12g, hoa hòe 6g, cam thảo nam 2g. Sắc uống ngày một thang.
Tên khoa học Clerodendrum trichotomum Thum, là tên gọi của một số cây như xích đồng nam (Clerodendrum squamatum Vahl) và cây bạch đồng nữ (Clerodendrum fragrns (Vent) Willd). Cây xích đồng nam còn có tên gọi: cây mò đỏ, bấn hoa đỏ.
Còn cây bạch đồng nữ còn có tên gọi: cây mò trắng, cây bấn trắng, vậy trắng.
Hai cây này thường dùng lá để làm thuốc, có thể dùng dưới dạng chè thuốc. Trong lá cây có chứa một số glucosid và alkaloid, acid…
Kinh nghiệm dân gian thường dùng lá bạch đồng nữ chữa các bệnh ghẻ lở, mụn nhọt, rửa chốc đầu… và chữa bệnh khí hư, bạch đới của phụ nữ với liều 15-20g lá khô sắc uống. Rễ xích đồng nam, bạch đồng nữ sắc uống có tác dụng chữa bệnh vàng da, vàng mắt.
Theo các nhà khoa học, lá xú ngô đồng có tác dụng hạ huyết áp. Các thí nghiệm trên động vật cho thấy huyết áp hạ rõ rệt.
Thực tiễn lâm sàng cho thấy lá xú ngô đồng được sử dụng để điều trị bệnh tăng huyết áp (sau 4-5 tuần dùng hàng ngày, huyết áp mới giảm có ý nghĩa). Liều dùng hàng ngày 9-16g, chia 3-4 lần uống. Chè lá còn có tác dụng an thần, giảm đau và chống viêm.
5. Đỗ trọng
Cách dùng: Đỗ trọng 100g, nhân sâm 12g. Ngâm với 1 lít rượu trắng 29,5 độ (rượu lúa mới). Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 5ml.
Hoặc: đỗ trọng 5-12g, sắc uống ngày một thang.
Hoặc: đỗ trọng 5-12g, cúc hoa 12g, hoa hòe 6g. Sắc uống ngày một thang.
Tên khoa học Cortex Eucommiae. Là vỏ của cây đỗ trọng, chưa thấy mọc hoang ở nước ta, hiện đã di thực được. Vị thuốc này ta vẫn còn phải nhập. Trong đỗ trọng, có các alkaloid, D.glucosid, resin, acid hữu cơ, albumin, tinh dầu, chất béo…
Theo tài liệu cổ, đỗ trọng có vị ngọt, hơi cay, tính ôn, vào 2 kinh can và thận. Có tác dụng bổ can thận, mạnh gân cốt, an thai, dùng chữa đau lưng, đi tiểu nhiều, chân gối yếu mềm.
Tác dụng sinh học của đỗ trọng trên tim mạch đã được chứng minh là tác dụng hạ huyết áp do ức chế trong tâm vận mạch ở hành tủy. Ngoài ra còn có tác dụng làm mạnh sự co bóp cơ tim, lợi tiểu… Liên Xô (cũ) đã chính thức công nhận đỗ trọng là vị thuốc dùng để điều trị bệnh tăng huyết áp, được dùng dưới dạng cao lỏng, thuốc sắc hoặc ngâm rượu.
Cần chú ý: liều thấp có tác dụng giãn mạch, liều cao lại gây co mạch.
Đỗ trọng có thể dùng để điều trị tăng huyết áp có biến chứng suy tim. Ngoài ra còn có thể chữa các bệnh đau lưng, ra mồ hôi trộm, phụ nữ hay sẩy thai, trẻ em kinh giản (co giật).
Cao huyết áp hiện là căn bệnh phổ biến, nhiều người mắc. Được gọi là cao huyết áp khi đo huyết áp tối đa (huyết áp tâm thu) bằng hoặc lớn hơn 140mmHg và huyết áp tối thiểu (huyết áp tâm trương) bằng hoặc lớn hơn 90mgHg.
Huyết áp cao là một trong các nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh nguy hiểm về tim mạch như cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành và tai biến mạch máu não (đột quỵ).
Y học hiện đại có nhiều loại thuốc điều trị cao huyết áp theo các cơ chế khác nhau: Thuốc làm giãn mạch, thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển…Tuy nhiên các loại thuốc này đều có hại cho gan, thận và có những phản ứng phụ không mong muốn, có hại cho sức khoẻ người bệnh và khi dùng phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Đối với người mới mắc chứng cao huyết áp và thể nhẹ nên dùng thảo dược và thức ăn để điều chỉnh thường an toàn và có hiệu quả. Có nhiều loại thảo dược và thức ăn giúp hạ và điều hoà huyết áp mà chúng ta có thể sử dụng. Tuỳ theo hoàn cảnh, điều kiện và mùa vụ mà áp dụng như dưới đây:
* Củ cải trắng 100g, mật ong 20ml. Củ cải trắng rửa sạch, giã nhỏ, hấp cách thuỷ cho chín, vắt lấy nước, bỏ bã. Cho mật ong vào nước củ cải quấy đều chia 2 lần uống trong ngày, cần uống liền 15 – 20 ngày.
* Dấm 300ml, tỏi 250g, đường đỏ 90g. Tỏi bỏ hết vỏ cứng, giã nhỏ, tất cả cho vào bình đậy kín, ngâm 10 – 15 ngày là dùng được. Trước khi dùng cần lắc mạnh bình, mỗi lần uống 2 thìa cà phê nước thuốc, ngày uống 2 lần.
* Hy thiêm 30g, hoa hoè 30g. Hoa hoè sao thơm, cả hai vị thuốc cho vào nồi, thêm 400ml nước, đun nhỏ lửa cho sôi kỹ, chắt lấy 200ml thuốc đặc, chia 2 lần uống trong ngày, cần uống liền 10 – 15 ngày, có thể uống thêm liệu trình trên khi nghỉ 5 – 7 ngày.
* Hồng xanh 1 quả, rau cần 200g. Cả hai rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước uống, ngày uống 2 lần, liền 25 ngày.
* Lá cọ non 250g. Lá cọ non rửa sạch, thái nhỏ, phơi nơi không có nắng, cho vào nồi, thêm 350ml nước, đun sôi kỹ, khi còn 200ml nước thuốc, chắt lấy nước bỏ bã, chia 2 lần uống trong ngày, cần uống liền 20 ngày.
* Vỏ cây dâu tươi 60g, mã đề 90g. Vỏ cây dâu tươi cạo bỏ hết lớp bên ngoài, chỉ lấy phần vỏ trắng cắt nhỏ cùng mã đề cho vào nồi thêm 400ml nước, đun và uống như bài trên.
* Hoa hoè 15g, lá cọ 30g. Cả hai vị thuốc trên cho sắc uống như bài trên.
* Lạc nhân 500g, dấm ăn 800ml. Lạc nhân nhặt bỏ hết hạt thối, phơi thật khô, cho vào bình, đổ dấm vào, bịt kín, sau 15 – 20 phút có thể dùng được. Ngày dùng 1 lần trước khi đi ngủ, mỗi lần 3 – 4 hạt, 7 ngày là một liệu trình, nghỉ 5 ngày lại dùng tiếp liệu trình sau.
* Lá, cành trắc bách diệp 10g. Lá, cành trắc bách diệp phơi nơi không có nắng cho khô, cho vào nồi thêm 350ml nước, đun sôi kỹ, bỏ bã, chia 2 lần uống trong ngày, cần uống 20 – 25 ngày.
* Đậu tương 500g, dấm ăn 1000ml. Đậu tương rang vàng thơm, để nguội cho vào bình, đổ dấm vào ngâm, sau 20 ngày là dùng được. Ngày ăn 3 lần, mỗi lần 20 – 25 hạt đậu tương.
* Tầm gửi cây dâu 120g. Tầm gửi cây dâu (tang ký sinh) thu về thái nhỏ, phơi nơi không có nắng cho khô, cho vào nồi thêm 300ml nước, đun sôi kỹ, dùng làm nước uống trong ngày, cần uống liền 20 – 25 ngày.
* Vỏ lạc 1000g. Vỏ lạc phơi khô tán bột mịn. Dùng nước cháo đặc luyện viên bằng hạt ngô phơi khô, ngày uống 3 lần, mỗi lần 25 viên với nước sôi để nguội.
* Hạ khô thảo 25g (dùng lá và thân). Hạ khô thảo dùng khô, cho vào nồi thêm 350ml nước, đun nhỏ lửa cho sôi kỹ, khi còn 200ml nước thuốc, chắt lấy nước, bỏ bã. Chia 2 lần uống trong ngày, cần uống 15 – 20 ngày.
* Trứng gà 2 quả, tang ký sinh 20g. Trứng gà và tang ký sinh cho vào nồi thêm 300ml nước đun sôi kỹ, trứng chim bóc bỏ vỏ, cho vào nước thuốc đun tiếp, chắt lấy nước, chia 2 lần uống trong ngày và ăn kèm với 1 quả trứng, cần ăn liền 10 ngày.
* Dưa hấu 500g. Dưa hấu gọt bỏ lớp mỏng vỏ xanh, phần còn lại ép lấy nước chia 2 lần uống trong ngày, cần uống liền 15 ngày.
* Hạt sơn tra 15 hạt, đường đỏ 30g. Hạt sơn tra giã dập, cùng đường đỏ cho vào nồi thêm 350ml nước đun sôi kỹ, khi còn 200ml nước thuốc, chắt lấy nước bỏ bã, chia 2 lần uống trong ngày, cần uống liền 15 ngày.
* Hạt rau cần 30g. Cách sắc và uống như bài trên.
* Hoa đậu xanh 15g. Hoa đậu xanh cho vào ấm pha trà to đủ chứa 300ml nước sôi, ủ kín 20 phút sau đó uống thay trà trong ngày, cần uống liền 20 ngày.
* Bột củ năn 15g, chanh 1 quả. Chanh quả bổ làm tư, cùng bột củ năn cho vào bát to, thêm 200ml nước, quấy đều, đem hấp cách thuỷ. Khi được bỏ chanh, chia thuốc làm 2 lần uống trong ngày, cần uống liền 15 ngày.
* Cà chua 150g. Cà chua rửa sạch, nhúng qua nước sôi, ép lấy nước uống sau khi ăn, ngày uống 2 lần, cần uống liền 20 ngày.
* Dây dưa chuột 8g. Dây dưa chuột cần rửa sạch, cắt nhỏ, phơi nơi không có nắng, cho khô. Khi sắc lấy 100ml nước thuốc đặc, chia 2 lần uống trong ngày, cần uống liền 7 – 10 ngày.
* Râu ngô 45g. Râu ngô dùng tươi hay khô đều được, sắc và uống như bài trên.
* Mộc nhĩ đen 15g, quả mứt hồng 40g, đường phèn 20g. Tất cả cho vào nồi và sắc uống như bài trên.
(Theo 24h.com.vn)
Bước đầu tiên để tầm soát chứng cao huyết áp là phải giảm cân nếu bạn có thể trạng béo phì; đi bộ nhanh ít nhất 2 kilomet mỗi ngày và cắt giảm muối.
Bước kế tiếp là tầm soát chứng trầm cảm. Bạn nên nhớ, tâm trạng căng thẳng trong cuộc sống hiện đại được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính góp phần làm tăng huyết áp. Vì thế, làm cách nào để giảm mức độ trầm cảm là một bước quan trọng trong việc tầm soát mức huyết áp của bạn.
Giới chuyên môn cho biết, chứng cao huyết áp có thể dẫn đến một vài vấn đề nghiêm trọng đối với sức khỏe của bạn. Vì thế, hãy cố gắng tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và điều trị. Một bác sĩ giỏi có thể chỉ định bạn làm vài xét nghiệm cụ thể để phát hiện chính xác nguyên nhân gây bệnh. Một số triệu chứng thường thấy ở những bệnh nhân cao huyết áp là: đi tiểu thường xuyên, nhức đầu, cơ thể mệt mỏi, thiếu năng lượng, thiếu tập trung và sức khỏe tinh thần kém.
- Một bài thuốc cũng đã giúp điều trị nhiều người khỏi bệnh cao huyết áp là: hòa lẫn 5ml nước ép hành củ với 5ml mật ong và uống hết hỗn hợp này vào mỗi buổi sáng, khi bao tử còn trống. Cố gắng áp dụng liệu pháp này trong vòng 15 ngày, nhớ theo dõi mức huyết áp thường xuyên và tiếp tục thực hiện nếu bạn thấy kết quả khả quan.
Lưu ý: Thời gian đầu, bạn nên sử dụng kèm những bài thuốc này với những loại thuốc điều trị huyết áp bạn đang sử dụng. Bạn có thể giảm dần việc sử dụng tân dược sau hai tuần hoặc lâu hơn, nếu cảm nhận rằng những phương thuốc thảo mộc này hiệu quả. Điều đặc biệt quan trọng và cần thiết là bạn cần phải kiểm tra huyết áp thường xuyên và duy trì ở mức an toàn, vì chứng cao huyết áp có thể đe dọa đến cuộc sống của bạn
Cám ơn Quý khách đã dành thời gian ghé thăm website
QUATANGPHONGTHUY.COM.VN và đọc bài viết này
Tag: cao huyết áp, thảo dược, phật giáo, đức Phật, qua tang phong thuy, quà tặng phong thủy, thanh chau, thanh châu, tượng mạ vàng, tuong ma vang